RSS

BỨC CHÂN DUNG MÀU CHÌ

09 Th6

 

 

Hoắc tháo bao kiếm, thẳng tay ném xuống bộ sập gụ nghe đánh “choang” một tiếng, rồi trút bộ quần áo sũng nước, ném vào góc nhà. Trên người hắn chỉ còn độc chiếc quần cộc cũng sũng nước, phơi trần bộ ngực to như tảng đá thớ. Bên trái ngực hắn, trổ hình cái đầu lâu và hai hố mắt đen ngòm, gác trên hai đoạn xương ống vắt chéo nhau. Hai cánh tay hắn cũng nổi bắp cuồn cuộn, xăm nhằng nhịt những hình thù quái gở, trông thật phát khiếp. Đoạn, hắn gieo mình xuống cái ghế bành cổ. Hắn thở hổn hển!
Mắt hắn trắng dã, bộ lông mày xếch ngược nhìn trừng trừng ra cửa.
Cùng với hắn, cả chục tên đàn em, nằm, ngồi, ngả nghiêng trên nền nhà. Tất cả đều trùng trục như nhau, phơi trần những tấm thân cũng xăm trổ nhằng nhịt chẳng kém gì đại ca của chúng.
Hoắc điên tiết, đập tay xuống bàn đánh “rầm” một cái, khiến bộ tách trà cổ màu da lươn nảy tưng lên, kêu lẻng xẻng. Bộ mặt hắn đanh lại. Giọng hắn lạnh tanh ngay tức khắc. Hắn gọi:
– Rượu, mang rượu lại đây!
Hắn nhìn lũ đàn em bạc nhược, mất hết nhuệ khí, thì dường như không thể chịu nổi.
– Chúng mày chết cả rồi à? Đứa nào còn sống thì lại đây! Hắn gằn giọng.
Cả lũ hoảng sợ nhổm dậy. Nhưng nghe đến rượu, mặt mũi đứa nào cũng tửng tưng lại ngay như con sâu rượu hít phải hơi men.
Vợ Hoắc khệ nệ bê vò rượu cũng vừa đến nơi, nhìn thấy chồng như thế thì đoán ngay có chuyện chẳng lành. Thị đặt vò rượu, đưa hai tay bóp vai hắn:
– Thôi nào, đừng cả giận nữa đi mình!
Hắn nắm chặt hai bàn tay, đặt trên cặp đùi đen trũi, rắn như khúc gỗ lim, chửỉ thề:
– Mẹ kiếp, thằng Hoắc này đi tới đâu xéo nát cỏ tới đó, thế mà hôm nay suýt bỏ mạng cả lũ. Hừ, nhất định phải rửa mối nhục này, nếu không…
Vợ hắn cuống cuồng đưa tay bụm lấy miệng chồng:
– Thôi nào, thề thốt làm gì, rồi nó vận vào người thì khổ. Thức ăn em đã làm sẵn cả rồi. Để em mang rượu sang, mình uống cho khuây khỏa nhé!
Giọng nói có mật của vợ hắn cũng làm dịu bớt cơn bốc hỏa trong đầu hắn. Hắn đứng dậy, bước sang gian nhà ngang dùng để làm nơi nhậu nhẹt. Cả lũ đàn em vội vã theo sau, rồi sà xuống quanh mâm cỗ bày la liệt các món…
– Rót rượu! Hoắc ra lệnh.
Một tên đàn em vội rót rượu ra từng bát rồi chuyền cho nhau. Mùi rượu được cất bằng thứ gạo nếp nguyên chất, thơm lừng, khiến chúng chẳng còn quan tâm đến chuyện gì nữa.
Bỗng Hoắc giơ tay ra hiệu:
– Khoan đã, phải rửa mối nhục này bằng máu! Chúng mày nghĩ sao?
– Xin đại ca chỉ bảo! Tất cả nhao nhao trả lời.
– Nào, thề đi! Hoắc nâng bát rượu, đưa ra trước mặt.
– Xin thề! Cả lũ đồng thanh, rồi ngửa cổ nốc ừng ực.
Hoắc uống xong, bất thần dang tay đập cái bát vừa cạn rượu xuống nền nhà nghe “chát” một tiếng khô khốc. Cái bát vỡ vụn. Hắn ngửa cổ cười sằng sặc rồi lại im bặt. Hắn nhắc lại câu nói hồi nãy:
– Phải rửa mối nhục này bằng máu mới hả dạ được! Nói rồi, hắn đùng đùng đứng dậy – Bây giờ, chúng mày cứ việc uống cho thật đã, để rồi tao sẽ tính!
Nói xong, hắn quay ngoắt bỏ đi.
Khi thức ăn trên mâm đã nham nhở, bừa bãi, thì thằng nào thằng nấy cũng ngấm hơi men. Rượu vào, chúng kháo nhau đủ thứ chuyện vừa xảy ra lúc gà gáy.
Đó là lần đầu tiên kể từ ngày Hoắc làm tướng cướp, Hoắc bị thất bại trong vụ tấn công nhà Phú Điền ở làng Dé. Phú Điền là một tay đại địa chủ, giàu có vô cùng. Đã từ lâu, có rất nhiều băng cướp thèm thuồng, nhòm ngó, nhưng chưa khi nào đột nhập nổi bởi nhà Phú Điền rào giậu quá kín. Ngoài bức tường bao quanh khuôn viên cao bằng con sào, dầy tới gần hai gang tay gắn chi chít mảnh sành nhọn hoắt, Phú Điền còn có cả bầy chó dữ, con nào cũng to như con hổ ngày đêm lùng sục, canh giữ. Những người làm công cho nhà Phú Điền, đều là anh em, con cháu, họ hàng xa gần cả. Phú Điền đã biến những người này thành một đội bảo vệ hết sức trung thành. Cầm đầu đội bảo vệ ấy là một thanh niên, cháu ruột của Phú Điền. Võ nghệ của tay đội trưởng ấy chẳng biết đến đâu, nhưng nhìn bề ngoài thì cũng có vẻ rất đáng mặt cho thiên hạ kiềng nể.
Cũng do Phú Điền là người khôn ngoan, nên làng Dé luôn là mối họa lớn mỗi khi các băng cướp tìm đến nhà Phú Điền mà lại không kiếm chác được gì. Làng Dé nghèo như chão rách, lại bị quấy phá liên tục thì uất ức lắm, không làm sao chịu nổi. Phú Điền lợi dụng nỗi cực nhục ấy, kích động dân làng lập đội bảo an, thay nhau tuần tra, canh gác. Đứng đầu đội bảo an của làng Dé chính là tay đội trưởng bảo vệ của nhà Phú Điền. Làng Dé ra quy ước, hễ nghe tiếng kẻng báo động của đội Bảo An thì cả làng đều phải đồng lòng, hợp sức lại mà đánh đuổi bọn cướp.
Và đúng dịp ấy, Hoắc đến “viếng thăm” nhà Phú Điền.
Đêm ấy, một đêm trăng suông mờ nhạt, hắn cùng đồng bọn mò tới. Hắn không biết làng Dé vừa lập đội bảo an, có quy ước chống trộm cướp hẳn hoi, nên đã bị cơn thịnh nộ của làng Dé trút xuống…
– Tiên sư chúng nó, chậm tý nữa, chắc tao cũng rồi đời nốt! – Năm Sẹo vừa tọng miếng mồi to tướng vào mồm, vừa trợn trừng trợn trạc nói.
Thọ Ruồi tiếp lời:
– Vừa nghe tiếng kẻng gõ liên hồi, tao đã thấy thằng cầm đầu cưỡi con trâu bạc, hùng hổ xông lên. Con ngựa của đại ca ngửi thấy hơi con trâu hung dữ thì hoảng hồn, quay ngoắt lại, phóng thục mạng ra phía bờ đê. Bọn dân làng đuổi theo đông như kiến cỏ. Đuốc cháy sáng rực cả một vùng. Đại ca không kịp trở tay, thúc ngựa chạy. Tao vội vàng rúc vào một bụi cây dưới chân đê ẩn nấp. Cũng vừa lúc nhìn thấy bóng con ngựa của đại ca vấp phải thân cây bọn dân làng chặn ngang đường làm vật cản, khiến cả người lẫn ngựa lao ùm xuống sông. May mà đại ca bơi giỏi, không thì nghẻo rồi!
Thọ Ruồi vẫn cứ thao thao kể. Hắn là tên trợ thủ đắc lực thứ hai của đại ca Hoắc sau Năm Sẹo. Hắn cứ làm ra vẻ chỉ một mình hắn được chứng kiến cái cám cảnh vừa xảy ra ấy. Thọ Ruồi tợp một hơi rượu, rồi huơ chân, múa tay, tiếp tục nói:
– Thằng chó ấy đuổi tới bờ đê, giương cung bắn. Chỗ tao ẩn nấp chỉ cách nó tầm vài con sào, nên nhìn rất rõ. Tao hết hồn, tưởng đại ca chuyến này thác. Cũng may, đại ca kịp lánh sang bên kia con ngựa, tránh được mũi tên, nhưng con ngựa thì hí lên một tiếng thê thảm rồi chìm nghỉm. Đại ca lặn một hơi dài mới dám ngoi lên…
Trong lúc bọn đàn em đang say sưa nhậu nhẹt thì Hoắc đã đến bên cạnh vợ. Hắn đi đi lại lại trong căn phòng, rồi nói:
– Phải đốt thành tro cả cái làng Dé để rửa mối nhục này!
Vợ hắn nghe nói, thất kinh :
– Mình đừng làm thế, người ta bảo, đời cha ăn mặn, đời con khát nước đấy!
Hoắc ngửa mặt cười ha hả:
– Nàng không biết ta một tướng cướp hay sao? Đã là tướng cướp, thì luật đời, luật Trời, đều vô nghĩa tất! Không làm vậy, đứa nào còn biết sợ thằng Hoắc này nữa chứ?
– Nhưng còn luật pháp nhà nước, làm sao yên thân được?
Hoắc vẫn cười ha hả, nói:
– Luật pháp à? Cũng thế cả thôi! Có tiền sai được cả quỷ sứ! Rồi hắn ghé tai vợ – Nàng không biết ta là bạn thân của quan Tổng đốc ư? Ta vừa đúc tặng hắn một bức tượng ông cụ thân sinh ra hắn, nặng tới ba cân rưỡi vàng ta. Đứa nào dám động đến lông chân thằng Hoắc này? Hắn nói xong thì lăn kềnh ra ngủ…
*
* *
Người ta kể rằng, ngày thằng Hoắc được sinh ra, nó đã rất khác thường. Cái sự tiền định của trẻ con lúc mới chui ra khỏi bụng mẹ, đứa nào chẳng khóc oe oe. Riêng Hoắc thì không thế. Nó chỉ hét lên một tiếng đanh lại, rồi im bặt. Mắt mở thao láo, nhìn trừng trừng vào mặt bà đỡ, làm bà phát hoảng.
Quả nhiên, mới chỉ tí tuổi đầu, Hoắc đã nổi tiếng ngỗ ngược, không sợ bất cứ một ai. Năm Hoắc mười ba tuổi, bỗng dưng có ông sĩ quan Tây tình cờ qua làng, chẳng biết thấy Hoắc có ẩn tướng gì mà nảy ý mang theo để sử dụng cho việc về sau. Bố mẹ Hoắc mới đầu không đồng ý. Nhưng Hoắc bảo nếu không ưng thì nó sẽ bỏ đi, không thèm về nhà nữa!
Ngài sĩ quan Tây nọ nhận Hoắc làm con đỡ đầu, rồi cho đi học võ thuật. Hoắc là người có năng khiếu đặc biệt, lại rất say mê môn phái này, bởi thế, chỉ mấy năm sau, Hoắc đã trở thành một tay võ cự phách, các môn đệ cùng võ đường không ai địch nổi.
Hoắc cậy mình tài giỏi hơn người, lại ỷ thế vào cha đỡ đầu, nên càng ngày càng sinh lòng kiêu ngạo. Hễ vắng mặt thầy, Hoắc quậy phá, coi tất cả các môn đệ đều dưới tầm con mắt. Hoắc bị thầy quở mắng là kẻ vô đạo. Thày dọa, nếu không nghe lời, thày sẽ nhất quyết trừng trị không tha!
Hắn không dám cãi thày, nhưng ngay tối hôm đó thì hắn bỏ trốn. Hoắc tìm đến cha đỡ đầu. Nhưng thật chẳng may cho hắn, ông này vừa bị tử trận trong một cuộc tấn công với đội quân kháng chiến người bản xứ. Hoắc không dám trở lại võ đường nữa. Hắn đi lang thang khắp đó đây. Rồi đến một ngày kia, Hoắc gặp băng cướp và xin đi theo…
Hoắc giỏi võ, lại có máu liều và khôn ranh vào loại hiếm có. Trong cuộc tranh giành lãnh địa làm ăn, băng cướp này nhờ có Hoắc ra tay nên đã chiếm được rất nhiều địa bàn hoạt động. Giới giang hồ nghe danh hắn đều sợ mất mật, không đứa nào dám làm địch thủ của hắn.
Vốn sẵn tính kiêu ngạo, chỉ ít lâu, Hoắc bắt đầu quẫy đạp, bất phục tùng thủ lĩnh. Tên cầm đầu biết được ý đồ của Hoắc thì cay lắm, tìm mọi cách loại trừ đối thủ. Nhưng Hoắc cao đòn hơn nhiều. Hoắc lừa cho đối thủ sa bẫy, rồi lấy cớ mà ra tay. Hai tên côn đồ đấu kiếm. Đường kiếm của Hoắc sắc lẹm. Bãi đấu chưa kịp gãy giập vài ngọn cỏ, tên cầm đầu đã bị Hoắc quật ngã. Hoắc không giết. Hắn dẫm một chân lên ngực, tỳ mũi kiếm nhọn hoắt lên trán tên thủ lĩnh dằn mặt mấy câu rồi thản nhiên bỏ đi.
Tên cầm đầu vừa nhục nhã, vừa đau đớn, nhưng vẫn cố ngóc đầu dậy, buông những lời nhục mạ đuổi theo Hoắc. Hoắc nghe thế thì không thể chịu nổi. Hắn dừng chân, nuốt từng lời nhục mạ của kẻ chiến bại vào dạ. Bất thần, hắn quay ngoắt lại, với bộ mặt khinh miệt nhưng cũng rất dữ dằn. Hắn bước tới, đảo mắt nhìn từng đứa một trong số đồng bọn, rồi nói:
– Thưa anh em! Giang hồ ân oán là lẽ thường tình, biết người, biết ta, xưa nay vẫn là kẻ anh hùng! Vì nể tình huynh đệ cũ, Hoắc đã tha mạng, không giết chết hắn. Nhưng anh em đã chứng kiến tất cả, xin hãy đừng cho Hoắc là kẻ táng tận lương tâm!
Hoắc cúi nhìn bộ mặt kẻ tiểu nhân bằng cặp lông mày xếch ngược, rồi dằn giọng:
– Mày không muốn sống thì tao sẽ cho mày được toại nguyện!
Nói xong, hắn rút kiếm, cắt phăng cái đầu tên thủ lĩnh như cắt cổ một con vịt. Máu chảy nghe reo réo, đỏ loang cả vùng đất trên bãi đấu. Đoạn, Hoắc nắm mớ tóc lòa xòa của cái đầu đã lìa khỏi cổ, giơ lên cho bọn đàn em nhìn. Hai mắt tên thủ lĩnh vẫn mở trừng trừng. Hoắc cười nhạt toẹt, ném cái đầu lăn lốc trên vạt cỏ.
Đồng bọn của Hoắc thất kinh, răm rắp quỳ xuống mà tôn hắn lên làm thủ lĩnh. Năm ấy, Hoắc mới tròn hai mươi tuổi.
Từ đó, vó ngựa của Hoắc được dịp tung bụi khắp chốn giang hồ. Hoắc thể hiện rõ là tên tướng cướp vừa nham hiểm, vừa lắm mưu nhiều kế. Những cuộc ăn cướp của Hoắc thường chỉ nhằm vào giới đại phú, mà cũng rất lạ thường. Hắn đột nhập bất ngờ. Lại cũng có lần, hắn cho người đến hẹn hò trước với chủ nhà như tình bằng hữu thăm viếng nhau. Những lần như thế, hắn tỏ thái độ nhũn nhặn, thân thiện, như thể cầu mong một sự giúp đỡ tự nguyện. Thường thì hắn chưa bao giờ bị cự tuyệt, bởi giới đại phú chả ai lạ gì hắn. Nhưng cũng có lần hắn bị chống cự vì sự đòi hỏi quá đáng, làm khổ chủ không thể đáp ứng nổi. Những lần như thế, lưỡi gươm của Hoắc lại được tuốt trần, và chưa khi nào tra vào bao mà lại không dính máu.
Một hôm, Hoắc tổ chức bữa tiệc rất linh đình. Trong bữa tiệc có thêm người khách đặc biệt. Đó là một cô gái khá xinh đẹp. Hoắc giới thiệu với đồng bọn:
– Đây là Liễu, bữa tiệc này xin ra mắt anh em. Cô Liễu từ nay sẽ là vợ chính thức của ta, xin anh em nâng cốc chúc mừng sự hạnh ngộ này!…
*
* *
Hoắc tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Vợ hắn bưng chậu nước, đặt cạnh chồng, nói:
– Thấy mình ngủ say, em biết mình mệt lắm nên chẳng đành đánh thức. Mình rửa mặt mũi cho tỉnh táo đi!
Hoắc lấy tay vốc nước lên mặt. Nước mát lạnh làm hắn bừng tỉnh. Hắn với chiếc áo vắt lên vai, khệnh khạng bước ra ngoài. Bóng nắng đổ xuống già nửa cái sân gạch. Hoắc vặn người mấy cái rồi bước tới bãi tập nhìn bọn đàn em đang luyện võ. Bỗng Hoắc ngoắc tay, gọi:
– Năm Sẹo!
– Thưa đại ca – Năm Sẹo mình bám đầy bụi đất, vội vàng chạy tới – Đại ca có điều gì chỉ bảo ạ?
Hoắc ghé tai Năm Sẹo thì thầm cái gì đó. Còn Năm Sẹo thì cứ liến thoắng cái mồm:
– Vâng ạ… Vâng ạ… xin đại ca cứ yên tâm ạ!
– Tốt! Hoắc vỗ vai Năm Sẹo. Bộ lông mày của hắn lại xếch ngược lên. Hắn quay lên nhà. Vừa đi, hắn vừa nung nấu trong đầu ý nghĩ phải triệt hạ ngay cái nhuệ khí của làng Dé khi còn chưa muộn. Nếu để làng Dé làm gương cho khắp thiên hạ a dua chống lại thì hắn hết đường làm ăn, có khi hết cả đường sống nữa!
Ngày hôm sau, Năm Sẹo trở về. Năm Sẹo nửa quỳ nửa ngồi trước mặt đại ca, tay cầm mẩu gạch non vạch xuống đất nhằng nhịt. Cái mồm nó vẫn cứ liến thoắng:
– Thưa đại ca, chỗ này là nhà Phú Điền, cái nhà hôm nọ chúng ta “xơi” hụt đấy ạ! Năm Sẹo chép miệng, rồi xiết một đường thật đậm. Hắn khoanh lại ở điểm cuối, nói tiếp, nhà thằng cầm đầu lũ dân làng đuổi đánh chúng ta hôm nọ là ở chỗ này. Phú Điền làm cho nó ngôi nhà ấy, là cốt để gác cổng cho nhà lão ấy đấy ạ!
– Tốt! Tìm hiểu kĩ về nó chưa?
– Rồi ạ! Thằng này cũng chỉ vọc vạch tý võ nghệ thôi chứ ăn thua mẹ gì. Cái làng ấy cũng hay bị bọn nào ấy đến quấy nhiễu, nên mới liều lĩnh hùa nhau chơi lại thế đấy ạ.
– Nó tên gì?
– Thưa đại ca, tên Phúc ạ.
– Gọi tụi nó lại đây!
Năm Sẹo chạy đi. Chỉ một loáng, đã thấy cả bọn có mặt đầy đủ. Chúng chụm đầu nghe đại ca nói. Hoắc chỉ chỉ, trỏ trỏ vào những nơi được đánh dấu và ra lệnh cho từng đứa. Hắn hất hàm :
– Chúng mày liệu hồn đấy, phải nhanh tay nhanh chân lên, nếu không muốn bị quẳng vào lửa! Hoắc khoanh thêm một vòng tròn nữa rồi tiếp, chỗ này là cây đa gần bờ sông. Xong việc, tất cả đợi nhau ở đây để xuống thuyền, nghe chưa!
– Thưa đại ca, chừng nào thì đi?
– Cứ chuẩn bị đầy đủ, khi nào đi tao sẽ gọi!
Lại nói về làng Dé, từ hôm đuổi được bọn cướp do Hoắc cầm đầu, xóm làng đã có vẻ bình yên trở lại. Nhà Phú Điền mừng lắm, mổ trâu khao cả làng. Mọi người lấy làm hỉ hả, thề thốt, chúc tụng lẫn nhau, chè chén say sưa đến tận chiều rồi ai mới về nhà nấy.
Vào tối khuya hôm ấy, Hoắc dẫn bọn cướp tiến về phía con sông.
Tất cả lên thuyền. Những vì sao li ti giăng kín cả bầu trời. Quá canh gà gáy thứ nhất, làng Dé đã hiện ra. Làng Dé đang ngủ vùi, yên ắng, như vẫn còn dang dở trong cơn say tí bỉ từ hồi chiều. Thỉnh thoảng, lại đổ dồn một hồi chó cắn, rồi im bặt. Bóng những tên cướp từ dưới thuyền thoăn thoắt nhảy lên bờ…
Chỉ một lát sau, đầu làng Dé bốc cháy. Rồi thêm mấy đám cháy nữa cùng lúc bốc lên. Cả làng Dé bỗng chốc bốc cháy ngùn ngụt, lửa bay tán tác. Dân làng Dé ngập chìm trong tiếng la hét, hoảng loạn. Phúc cuống cuồng lao ra khỏi nhà, định chạy tới nơi treo cái kẻng báo động. Ngay lập tức, Phúc bị một bàn tay cứng như thép chặt ngang gáy, khiến chàng gục xuống. Mấy bóng người nhẩy xổ tới, trói nghiến Phúc lại, nhét vào bao tải rồi tẩu thoát ra phía bờ sông.
Bọn cướp xuống thuyền. Những mái chèo đạp nước roàn roạt. Chẳng mấy chốc, con thuyền của bọn cướp đã bỏ xa làng Dé trong biển lửa và cơn hoảng loạn của dân làng.
– Đưa ra Bãi Cỏ Tranh! Hoắc ra lệnh khi về tới địa điểm định sẵn.
Bãi Cỏ Tranh là một gò đất rộng chừng vài mẫu ta, duy nhất chỉ một loại Cỏ Tranh mọc cao lút đầu người, nằm giữa cánh đồng hoang gần trang trại của Hoắc. Nơi này khá xa khu cư dân sinh sống. Người ta truyền miệng nhau về bãi Cỏ Tranh ấy là nơi cư ngụ của đủ các loài ma quỷ. Bởi thế, nó đã trở thành một bãi đất thiêng, không ai dám bén mảng tới bao giờ.
Đến nơi, hai thằng khiêng cái bao tải làm hiệu cho nhau, rồi quăng huỵch xuống đất. Cạnh đó là một cái hố vừa được đào sẵn.
– Lôi ra, rồi cởi trói cho nó! Hoắc nói.
Cũng vừa lúc ấy, Phúc chợt tỉnh. Chàng thấy đầu đau choáng váng, nhưng cũng cố gượng ngồi dậy. Chàng ngơ ngác nhìn quanh. Vành trăng cuối tháng mỏng quẹt, vừa ló ra khỏi lùm cây xa tít đủ để chàng nhìn thấy tất cả. Chàng hoảng sợ:
– Các ông là ai, sao lại bắt tôi?
– Im mồm !
Thọ Ruồi quát. Gã vơ nắm cỏ định tọng vào mồm Phúc, nhưng Hoắc đã ngăn lại:
– Không cần! Hoắc nheo nheo con mắt nhìn Phúc, muốn giết tao hả? Mạng tao lớn lắm, chết sao được! Rồi hắn hất hàm: Mày có muốn nói lời cuối cùng không?
Tuy Hoắc nói thế, nhưng khi Phúc vừa định cất lời thì hắn co chân đạp vào giữa mặt, làm chàng ngã vật xuống. Hắn ra lệnh:
– Bắt đầu!
*
* *
Phúc bị bọn cướp hành quyết, chết rất thê thảm. Chúng vùi cái xác nát bươm của chàng xuống hố rồi chất lên một đống cỏ tranh được chuẩn bị sẵn để che lấp dấu vết. Xong xuôi, tên tướng cướp thản nhiên hẩy tay, bảo bọn đàn em ra về.
Nhưng từ ngày Phúc bị giết thì cũng là ngày Hoắc bị báo oán. Cái sự báo oán cứ nửa thực nửa hư, nghe mà thấy lạnh cả gáy. Cứ đêm đêm, bọn đàn em của Hoắc lại nghe tiếng kêu rất oan nghiệt từ bãi Cỏ Tranh vọng về. Chúng vô cùng kinh hãi. Hoắc cũng biết thế, nhưng hắn chỉ khẽ nhếch cái mép, có vẻ xem thường. Hắn mắng bọn đàn em là đồ hèn nhát. Hắn thề sẽ khám phá mọi điều bí mật kia để trấn an tinh thần cho đồng bọn.
Vào nửa đêm hôm ấy, Hoắc tỉnh dậy. Hắn lặng lẽ khoác kiếm, lầm lũi bước đi trong đêm tối. Vừa đến gần bãi cỏ tranh, Hoắc bỗng nhìn thấy một bóng người chỉ cách hắn vài ba tầm với. Bóng người cứ chập chờn, chập chờn, lúc ẩn lúc hiện trước mặt. “Ma!”. Hắn thốt lên! Hắn nhận ra cái bộ mặt xanh lét của con ma đúng là người vừa bị hắn bắt sống và hành quyết hôm nọ.
– Hãy trả mạng cho tao!
Con ma hét lên, rồi biến mất, rồi lại hiện lên. Cứ như thế, con ma bám lấy Hoắc, thoắt ẩn, thoắt hiện…
– Hãy trả mạng cho tao!
Hoắc rút thanh kiếm nghe đánh soạt: “Lưỡi kiếm của ta có thể rạch ngang được cả ông Trời, huống chi cái thây ma đã thối rữa như mày!”. Hắn gằn từng tiếng trong họng, bộ lông mày của hắn lại xếch ngược lên. Hắn vung kiếm, lấy hết sức chém vào bóng ma. Bóng ma vụt biến mất. Hoắc lùi lại mấy bước, tay hắn vẫn lăm lăm thanh kiếm. Lúc lâu, không thấy bóng ma xuất hiện trở lại. Hoắc cười khẩy, rồi tiến thẳng đến Bãi Cỏ Tranh. Hình như có tiếng rên rất đau đớn từ phía cái hố chôn người…
Hoắc dừng lại, lắng tai nghe. Không thể nhầm được. “Con ma ấy đã lãnh trọn nhát kiếm của ta, chắc nó sẽ được chết thêm một lần nữa!”. Hắn nghĩ, rồi hắn lại cười khẩy: “Thì cũng chỉ là bóng ma không chịu nổi một nhát kiếm mà thôi!”. Rồi hắn quay gót ra về.
Hắn lạnh lùng vớ lấy hũ rượu, ngửa cổ tu ừng ực một hơi trước khi lăn kềnh ra ngủ. Men rượu vỗ về hắn đánh một giấc ngủ say mềm.
Sáng hôm sau, lúc vừa mở mắt, Hoắc nhìn thanh kiếm treo trên tường, ngay chỗ hắn nằm bỗng dưng đung đưa rất mạnh. Hoắc nhỏm dậy, chụp lấy, rút vội ra khỏi vỏ bao. Hoắc bỗng giật mình khi nhìn lưỡi kiếm dính đầy máu. Mùi tanh xông lên mũi hắn nồng nặc làm hắn suýt phát mửa. Từ vệt máu trên lưỡi kiếm ấy phả ra một luồng khí lạnh ngắt, rồi hắn cảm như có bóng người lao vút ra. Hắn chột dạ: “Ma … máu ma!”.
Hắn lại lăm lăm tay kiếm. “Đúng là cái thây ma ấy rồi. Nó theo ta về, chắc có ý muốn trả thù ta đấy mà!”. Hoắc nghĩ. Rồi hắn lại nhếch mép, tỏ ý rất khinh thường.
Thế nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như hắn tưởng. Từ hôm đó, đêm nào cũng vậy, mỗi khi Hoắc lên giường, vừa bắt đầu thiu thiu ngủ thì hình như con ma ấy lại hiện về. Con ma ngồi vắt vẻo trên thanh xà ngang nhà hắn. Chân con ma buông dài, lủng lẳng. Bàn tay con ma vươn tới tận chỗ hắn nằm. Những ngón tay nhọn hoắt cứ muốn cào cấu, bóp cổ, móc mắt hắn. Tai Hoắc nghe rõ tiếng con ma gào lên, vừa thê thảm, vừa giận giữ: “Hãy trả mạng cho tao! Hãy trả mạng cho tao!”.
Nhưng Hoắc vẫn tỏ ra là tên tướng cướp hết sức gian hùng. Cuộc đời làm tướng cướp của hắn đã từng say khướt máu người. Kể cả ma quỷ, thần thánh, hắn cũng chẳng sá chi. Lưỡi kiếm của hắn lại tuốt trần khỏi vỏ. Nhưng lần này, con ma tỏ ra không chịu khuất phục hắn. Võ nghệ điêu luyện và lưỡi gươm sát thủ của hắn cũng chẳng còn được sắc bén là mấy. Cứ mỗi lần con ma hiện lên, lại một lần Hoắc vung kiếm. Đã không ít lần cái đầu con ma lìa ra khỏi cổ. Nhưng lạ thay, lại một cái đầu khác mọc lên ngay tức thì. Cứ như vậy, con ma thách thức với Hoắc, đến tận khi trời rạng sáng rồi mới chịu biến mất.
Hoắc tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như người vừa được vớt dưới ao lên. Hoắc thừa biết, câu chuyện xảy ra nhất định không phải là những cơn mê ngủ! Bọn đàn em của Hoắc cũng chẳng hề được yên thân. Chúng khiếp đảm quá nên đã tìm cách bỏ trốn hết cả, chỉ còn hai tên đệ tử trung thành nhất là Năm Sẹo và Thọ Ruồi là dám ở lại với hắn…
Một đêm, dưới ánh đèn dầu đỏ quạch, Hoắc quyết định không ngủ. Hắn ngồi uống rượu, đợi một trận quyết chiến với con ma ở cõi dương trần. Hoắc gọi tên con ma và thách thức. Hắn vừa buông lời thì con ma đã hiện ra trước mặt. Hoắc vung kiếm định chém, nhưng con ma đã biến mất tức thì. Một lát, con ma lại hiện lên. Hoắc đuổi theo. Không được. Cứ như thế, Con Ma như thể đùa giỡn, như thể trêu ngươi Hoắc. Hoắc không thể chịu nổi cái trò chơi ẩn hiện hèn nhát của con ma. Hắn uất nghẹn, hét lên một tiếng làm rung chuyển cả màn đêm đặc quánh. Rồi hắn cắm phập thanh kiếm xuống chỗ con ma đã từng xuất hiện. Lưỡi kiếm ngập lút tới tận chuôi dưới nền đất rắn như đá. Hai hàm răng hắn cắn chặt vành môi đen sì, đến tứa cả máu. Hắn đưa mắt nhìn quanh một lượt, như thể muốn tìm xem con ma ấy đang ẩn náu ở đâu, rồi nói:
– Ta với ngươi, ân oán, thù hận đã rõ ràng, nhất định phải có kẻ thắng, người bại. Đêm nay, ta quyết thách đấu với ngươi. Nào, ngươi hãy hiện nguyên hình đi, hãy đối mặt với ta một phen! Nếu ngươi thắng được ta, thì khi xuống âm phủ, ta nguyện sẽ làm tù binh của ngươi. Lúc đó, ngươi sẽ tha hồ phanh thây xé xác ta, để trả mối thù ta đã phanh thây xé xác ngươi ở bãi Cỏ Tranh. Nào! Ngươi có dám?!…
Hoắc nói xong, rút lại thanh gươm. Hắn định lấy thế thủ thì bất thần nghe tiếng quát:
– Giơ tay lên!
Hoắc quay lại. Hai họng súng đen ngòm chĩa về phía hắn.
– Đi! Chúng tao là đội Bảo An của làng Dé đến bắt mày và đồng bọn về cho dân làng xử tội. Nếu chống cự, mày sẽ phải đền tội ngay tức khắc!
Hoắc giơ tay, ngoan ngoãn bước đi. Đêm tối mịt mùng. Hai người bịt mặt và hai họng súng đen ngòm vẫn lăm lăm sau lưng hắn. Bỗng Hoắc nhanh như cắt, bật người, lộn lại, dùng cú song phi rất ngoạn mục, đá tung hai khẩu súng văng khỏi tay hai người áp tải, rơi trên nền sân gạch nghe khô khốc. Hoắc định tiếp tục ra đòn, hạ thủ luôn hai kẻ tử thù, thì cũng vừa lúc những tay súng bao vây quanh hắn đồng loạt bóp cò. Tiếng nổ vang trời, xé rách màn đêm của cái trang trại bấy lâu vốn rất tĩnh lặng. Hoắc tung mình tránh đạn, rồi nhẹ nhàng như con sóc bay vọt qua nóc nhà, ra phía sau vườn. Đêm tối luôn là người bạn đồng hành, che chở cho cuộc đời của hắn…
*
* *
Sau lần chết hụt ấy, Hoắc chạy ra thành phố. Vợ hắn thì bị những người trả thù giết hại ngay buổi tối hôm đó.
Hoắc nung nấu ý định sẽ quay trở lại làng Dé để rửa mối hận này. Nhưng ý đồ của hắn chưa thực hiện được thì Việt Minh tràn về thành phố. Hoắc hiểu Việt Minh. Hắn biết Việt Minh về thì hắn sẽ không còn đất để sống nữa. Việt Minh sẽ không bao giờ dung thứ cho tội ác của hắn. Hơn nữa, đồng bọn của Hoắc cũng tan tác mỗi đứa mỗi nơi. Bây giờ, Hoắc đang thân cô thế cô, không nhà, không cửa. Hoắc suy nghĩ mông lung, rồi hắn tính chuyện bỏ trốn. Hắn trà trộn trong đám dân di cư vào Nam, và Thành phố Sài Gòn là điểm đến của hắn.
Sài Gòn thời ấy vốn nổi tiếng là nơi tụ tập của dân tứ chiếng giang hồ, bỗng nổi lên một băng cướp khét tiếng gian hùng. Người dân Sài Gòn từng đồn đại nhau về tên cầm đầu bằng một nỗi kinh hoàng. Mỗi khi bộ lông mày dữ tợn của hắn xếch ngược lên, là y như có điềm gở, và sự chết chóc là không thể tránh khỏi…
Khi Sài Gòn bị thất thủ, băng cướp ấy cũng tự nhiên biến mất. Mấy năm sau, vào thời điểm người Việt Nam ồ ạt chạy ra nước ngoài bằng đường biển thì bỗng rộ lên những lời đồn đại rằng băng cướp ấy lại xuất hiện. Chúng trở thành những tên cướp biển, chuyên dùng xuồng máy rượt theo thuyền của những người di tản, cướp bóc rất hung bạo. Những người chống đối, bị chúng trói lại rồi ném xuống biển, hoặc xả súng bắn chết tại chỗ. Công an chế độ mới lùng sục rất ráo riết, nhưng vẫn chưa thể tìm ra được manh mối của bọn chúng…
Tên trùm băng cướp vốn rất xảo quyệt, hắn thừa biết số phận của hắn sẽ ra sao nếu bị sa lưới pháp luật. Hắn lại một lần nữa tính chuyện chạy trốn.
Một hôm, có chiếc thuyền chở những người vượt biển xuất phát vào lúc nửa đêm. Chủ thuyền là một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi tuổi, nói giọng Bắc Kỳ. Những người vượt biển lần này hầu hết là những vị chức sắc, hoặc những người giàu có từ chế độ cũ còn rớt lại. Họ mang theo rất nhiều vàng bạc và của cải quý giá. Khi con thuyền ra đến hải phận quốc tế thì trời cũng vừa rạng sáng. Mọi người trên thuyền còn chưa kịp hỉ hả thì bỗng người chủ thuyền rút khẩu súng ngắn giắt trong người, bắn liền mấy phát lên trời, quát lớn:
– Tất cả ngồi im! Đứa nào nhúc nhích, tao bắn vỡ sọ!
Cùng lúc, những tay súng trà trộn trong đoàn người di tản cũng đồng loạt đứng dậy, chĩa họng súng đen ngòm vào từng người. Cuộc lục soát bắt đầu. Những đại gia trên thuyền hoảng sợ vô cùng, vội nộp tất cả tài sản cho chúng. Họ biết, tính mạng của họ lúc này sẽ bị định đoạt ngay tức khắc nếu để bọn cướp nghi ngờ có hành động chống đối, hoặc bất hợp tác.
Xong xuôi, tên tướng cướp ra lệnh cho đồng bọn rút xuống chiếc xuồng máy vừa áp sát mạn thuyền, định đào tẩu. Bỗng trên thuyền, một người trong số những người di tản reo lên:
– Đại Ca! Đại Ca! Đại Ca không nhận ra em sao?
Người ấy định nhao tới chỗ tên tướng cướp thì một tay súng chặn lại. Tên tướng cướp hất hàm hỏi:
– Mày là thằng nào?
– Kìa, Đại Ca! Em là Năm Sẹo đây! Vừa nói, tên ấy vừa nghiêng cái mặt méo xệch, tay chỉ vào vết sẹo to tướng chạy dài từ hàm dưới lên sát tận mang tai – Đại Ca có nhớ vụ làng Dé không? – Rồi hắn chỉ sang tên đứng bên cạnh, cũng đang sốt sắng chẳng kém gì hắn – Thằng Thọ Ruồi đây ạ!
Tên tướng cướp ấy chính là Hoắc. Hắn khẽ nhíu lông mày, rồi đưa bàn tay thô kệch vỗ vỗ lên trán, ra chiều cố nhớ lại. Bộ lông mày của hắn bỗng xếch ngược lên. Ngay sau đó, hai tiếng súng nổ vang trời. Hai kẻ tự xưng là Năm Sẹo và Thọ Ruồi ngã vật xuống. Tên tướng cướp nhếch mép cười, rồi nhảy xuống chiếc xuồng đang nổ máy chờ sẵn.
Khi chiếc xuồng nổ máy chuẩn bị lao đi, bỗng trong đầu tên tướng cướp như chợt lóe ra điều gì. Bộ lông mày của hắn lại xếch ngược lên. Hắn quay lại, giơ tay, ra hiệu cho tên ôm khẩu súng máy đang theo sau hắn dừng bước. Hắn nói gì đó với tên này bằng một từ lóng. Tên này vâng lời, quay lại, chĩa súng vào đám người trên thuyền, lia một loạt đạn trước khi nhảy xuống tàu.
– Thưa Đại Ca, êm rồi ạ!
Tên tướng cướp lơ đãng gật đầu. Hắn nhìn vào chiếc la bàn, rồi chỉ về phía trời nam xa tít, ra lệnh cho tên cầm lái chạy hết mã lực…
Những tên cướp biển giả làm những thuyền nhân rồi cập bến tại một nước thuộc vùng Đông Nam Á. Chúng thay tên đổi họ, sau mấy tháng sống trong trại tỵ nạn, mỗi đứa được đi định cư tại một nước Phương Tây, tùy theo sự điều phối của ủy ban bảo trợ Quốc tế và nước chủ nhà về người tỵ nạn…
*
* *
Mười tám năm sau, khi vụ thảm sát trên con tàu một thời làm chấn động lòng người đã chìm sâu vào quên lãng. Việt Nam cùng đồng thời với chủ trương xóa bỏ hận thù chiến tranh với các nước thù địch cũ là việc xóa bỏ đường lối kinh tế bao cấp lạc hậu, chuyển sang nền kinh tế thị trường. Rất nhiều người Việt Nam xưa kia từng là thuyền nhân chạy ra nước ngoài sinh sống đã trở về làm ăn tại chính quốc.
Một nhà đầu tư người Ý, gốc Việt, với cái tên nửa tây, nửa ta: Dino Hoang đã nhanh chóng trở thành doanh nhân cỡ bự. Ông ta là chủ tịch hội đồng quản trị của hàng chục cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm ở Sài Gòn, Hà Nội, và rải rác một số tỉnh trong cả nước.
Năm ấy, Dino Hoang mừng sinh nhật lần thứ sáu mươi, đúng vào dịp lễ tổng kết mười năm đầu tư của tập đoàn kinh tế do ông ta đứng đầu. Địa điểm tổ chức là cơ sở sản xuất lớn ở một tỉnh phía Bắc, đó chính là khu ruộng đất của nhà Phú Điền ở làng Dé đã bị cách mạng tịch thu hồi cải cách ruộng đất. Dino Hoàng đã dùng mọi thủ đoạn để có được vì mục đích riêng mà ông ta từng nung nấu.
Buổi lễ được tổ chức long trọng lắm. Cờ quạt, biểu tượng, biểu ngữ rợp trời. Lối vào hội trường trải thảm đỏ rực. Hàng trăm thiếu nữ xinh đẹp, được tuyển chọn từ khắp các cơ sở trong tập đoàn, cầm cờ, hoa, đứng hai bên chuẩn bị đón chào thượng khách. Sự phù hoa ấy, đã tạo nên một không gian không thể dung hòa với cái vùng đất chết, do nước và khí độc thải ra từ xí nghiệp của ông ta. Các loại hóa chất công nghiệp đã làm ruộng đất cả một vùng rộng lớn khô cằn. Lúa ngô xơ xác. Thậm chí, những cây ăn quả lưu niên cũng héo hon dần. Con người của làng Dé đã phải cam chịu một cuộc sống quá đỗi nhọc nhằn, đến mức quằn quại mà chẳng biết kêu ai…
Trong buổi lễ trọng thể ấy, có rất nhiều đoàn đại biểu đại diện các ban ngành liên quan từ trung ương cũng về dự. Trong số đó, có một vị cỡ bự ghê lắm. Các quan chức đầu ngành, đầu tỉnh được mời, đại diện cho địa phương đều phải tề tựu chỉnh tề để nghênh tiếp.
Buổi lễ kết thúc. Doanh nhân nọ cùng bầu đoàn thê tử của tỉnh lại tề tựu chỉnh tề để tiễn khách. Vị quan chức cỡ bự kia, sánh vai trò chuyện cùng nhà doanh nghiệp nọ rất vui vẻ. Lúc bước lên xe, ông ta vừa bắt tay nhà doanh nghiệp, vừa vỗ vỗ lên vai, nói:
– Đây là ông bạn rất quý mến của tôi! Một Việt Kiều yêu nước! Một doanh nhân thành đạt! Chúc thành công hơn nữa!
Cùng lúc, chương trình thời sự của đài truyền hình cũng tường thuật trực tiếp buổi lễ ấy. Có một khán giả xem truyền hình bỗng nhỏm dậy, kêu lớn:
– Kìa! Thằng Hoắc! Đúng là thằng Hoắc rồi. Tiên sư quân giết người!…
Người nhận ra chân dung vị doanh nhân đó chính là Năm Sẹo. Hắn bị thương rất nặng trên con thuyền vượt biển năm nào do viên đạn của Hoắc xuyên thủng phía trên ngực trái của hắn. Nhưng thật may mắn, hắn được lực lượng an ninh biển Việt Nam phát hiện kịp thời, và hắn đã được cứu sống. Hắn quả quyết:
– Một trăm năm nữa, nếu thằng Năm Sẹo này còn sống, cũng không thể quên được cái bộ mặt của thằng tướng cướp ấy!

7 / 2008

 
Chức năng bình luận bị tắt ở BỨC CHÂN DUNG MÀU CHÌ

Posted by trên 2012/06/09 in TRUYỆN NGẮN

 

Đã đóng bình luận.